Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Trường đời nơi tôi tốt nghiệp



Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi; trái tim không hề vương vấn như mây bay gió thổi, anh bước theo số phận của mình. Cớ gì phải có lý do, chỉ cần một tiếng hô thôi: “Lên đường nào”

Che, người lữ hành đúng nghĩa.

Ba mẹ dạy tôi ba triết lý sống, để trở thành một người có ích:

_Sống vì đồng loại,

_Tự lực cánh sinh,

_Đi theo tiếng gọi của con tim, bằng phương tiện của trí não.

Ba điều này thực sự đã ăn sâu vào tiềm thức của anh em chúng tôi. Sống vì đồng loại: Chúng tôi làm việc không phải cho chúng tôi, đơn giản là vì lợi ích của những người thân cận bên mình và ngược lại một vài người trong số họ sống vì chúng tôi.

Tự lực cánh sinh: Bước vào cấp ba, thay vì chỉ tập trung vào việc học, tôi bước vào cuộc sống để kiếm tiền chi trả cho việc học, không phải vì nhà tôi nghèo, đơn giản ở đây tôi hiểu mình đủ sức để tự lo cho bản thân.

Đi theo tiếng gọi của con tim bằng phương tiện của trí não: Để thỏa mãn những sở thích cá nhân, tôi phải vắt óc suy nghĩ và cuối cùng tôi trở thành một người lữ hành. Thay vì được học trên ghế nhà trường, ghế đá công viên dạy tôi cách sinh tồn. Thay vì vùi mình trong những cuốn sách khô khan không có hình minh họa, tự thân tôi được tai nghe mắt thấy những điều lạ. Thay vì lắng nghe sự giảng bài của thầy cô, thiên hạ dạy cho tôi biết một cộng một không chỉ bằng hai. Và giờ đây tôi vinh dự được có tên trong danh sách sinh viên trường Đời.

Trường học dạy cho bạn lý thuyết, và trường đời dạy cho tôi nhiều thứ quan trọng hơn lý thuyết sáo rỗng. Sống không phải vì bản thân, đó là điều chính xác, nhưng điều quan trọng là bản thân ta phải sống. Một con chim dù lớn đến đâu cũng phải theo đàn bay về phương nam tránh rét, đó là thực tế. Nhưng trường đời dạy cho tôi biết một con chim dù bay xa đến đâu cũng phải nhớ về cố hương. Đời dạy tôi tất cả, đơn giản bởi tôi là một phần của đời. Những ngày tháng lang thang nơi đất khách, tôi thấu hiểu tâm trạng kẻ xa quê. Những lúc mỏi gối trong rừng sâu, tôi khao khát một vòng tay bè bạn.

Trường học dạy tôi “ai cũng phải chết”, còn trường đời dạy tôi “trước khi chết ai cũng từng được sống”. Ai cũng sẽ phải vĩnh viễn ra đi, tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng điều quan trọng sau khi ra đi rồi chúng ta để lại được những gì cho đời.

Với tôn giáo sống để chuẩn bị cho ngày chết, còn duy vật sống đơn giản vì đang sống.

Dù theo bất cứ một chủ nghĩa hay một tôn giáo nào, không ai tránh được cái chết. Tôi theo tôn giáo, tin vào tôn giáo và tôi chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để sau này có thể ra đi thanh thản. Đó là những gì, đơn giản là một cõi lòng bình yên và một gia tài đáng giá cho con cháu. Tôi không muốn sau này khi mình nhắm mắt xuôi tay, bạn bè tôi đứng trước mộ và bảo nhau:

_Nó đi rồi, ra đi vĩnh viễn rồi, thế là trái đất bớt đi một miệng ăn, gia đình nó bớt đi một gánh nặng.

Ngược lại tôi muốn mọi người đứng trước mộ tôi, đọc những bài kinh cầu nguyện và bảo nhau:

_Người nằm dưới mồ kia là một người lữ hành chân chính, ông ta ra đi không mang theo gì, nhưng để lại cho hậu thế thật nhiều thứ quý giá.

Nếu đã từng đọc kinh thánh bạn sẽ được biết con người ta sinh ra từ cát bụi và khi chết ta trở về cát bụi, nhưng ít ai thực sự biết được rằng trên sa mạc bao la có nhiều hạt cát và mỗi một hạt cát nay mai sẽ như nhạc của Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi mệt nhoài, mặt trời soi một kiếp rong chơi…”

Tôi đã được sinh ra, tôi đã lớn lên, tôi đang trưởng thành, và sẽ ra đi, nhưng trước khi ra đi xin nhắn nhủ một vài điều có thể coi là di nguyện sau này của tôi dù tôi biết mình còn sống được hơn năm mươi năm nữa:

Nếu tôi chết,

Hãy hóa thân tôi vào bụi cát,

Đừng chôn tôi dưới mồ sâu huyệt lạnh,

Để tôi bay đi nhìn lại cả thế gian.

Cho tôi nghe tiếng chim hót mỗi ngày,

Và ngắm nhìn mặt trời mỗi sớm mai.

Nếu một mai,

Khi kiếp người kết thúc.

Xin đừng đem chôn cất,

Mà hóa thân thành cát bụi hư vô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét